Anh Bảy Ruộng và gia đình sống tại TP HCM,àlắpghézalo chat muốn đầu tư một ngôi nhà nghỉ dưỡng gần thành phố cho cả gia đình tiện đi về cuối tuần. Năm 2019, anh chi 270 triệu đồng xây ngôi nhà nghỉ mát ven biển theo mô hình nhà lắp ghép trên diện tích 80 m2 tại huyện đảo Cần Giờ, TP HCM. Anh chọn nhà lắp ghép có khung thép tiền chế, vách panel 10 cm, mái tôn lạnh mạ kẽm, nền gạch men.
Tương tự, gia đình chị Oanh (tại quận Bình Tân, TP HCM) chọn nhà lắp ghép cho ngôi nhà 1 trệt 1 lầu của mình vì ưu thế về chi phí và nhận thấy tuổi thọ không có nhiều khác biệt so với nhà xây bêtông cốt thép truyền thống. Đây là công trình được chị dùng vừa để ở vừa làm việc ở khu vực tầng trệt.
Xây nhà ở dân dụng bằng kiểu nhà lắp ghép trước đây khá hạn chế do gặp nhiều băn khoăn về chất lượng và tuổi thọ. Nhưng gần đây nhiều gia đình đã bắt đầu lựa chọn nhà lắp ghép như một giải pháp kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty TNHH DV Xây dựng Công nghệ và An Toàn Anzentech, người có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng nhà tiền chế, nhận định thị trường nhà lắp ghép trở nên sôi nổi hơn từ sau Covid-19. Khách hàng mong muốn xây dựng second home để dành nhiều thời gian nghỉ ngơi với gia đình, nhưng chi phí hạn chế tối đa vì tập trung tài chính cho những điều quan trọng khác.
Theo các chuyên gia, mô hình này được sử dụng nhiều hơn bởi tối ưu thời gian thi công. Các nhà nghỉ dưỡng thường ở khá xa so với ngôi nhà chính (nơi sinh sống và làm việc hàng ngày), việc mất nhiều thời gian để theo dõi giám sát xây dựng cho nhà nghỉ dưỡng sẽ đảo lộn việc làm cũng như lối sống. So với việc trải qua nhiều tháng để xây dựng công trình bêtông cốt thép truyền thống, nhiều chủ đầu tư nhà nghỉ dưỡng chọn phương án ngắn ngày hơn, để bảo toàn công việc lẫn cuộc sống hiện tại.
Chi phí đầu tư thi công nhà lắp ghép thấp hơn nhà bêtông cốt thép truyền thống vì trọng lượng và khối lượng công trình nhẹ hơn. Kết cấu móng cũng được giảm thiểu, từ đó giảm chi phí. Mặt khác, phần khung xương công trình đa phần được hoàn thiện tại xưởng, thi công tại công trường chỉ cần thao tác móng, lắp dựng khung xương, thi công vách. Điều này làm rút ngắn thời gian, từ đó giảm được chi phí nhân công.
Bên cạnh đó, nếu cần xoay xở nguồn tiền khi cần, chủ nhà có thể nhanh chóng tháo dỡ công trình nghỉ dưỡng làm bằng nhà lắp ghép và lưu kho, bán đất. Hoặc với những người chỉ dự định đầu tư một nhà nghỉ dưỡng nhưng lại muốn trải nghiệm nhiều địa hình đồi núi, duyên hải..., nhà lắp ghép là phương cách thích hợp để nhanh chóng tháo dỡ, di chuyển đến mảnh đất mới mà bản thân thấy thích hơn.
Nhà lắp ghép (hay nhà tiền chế) là công trình được chế tạo trước một phần hoặc phần khung được sản xuất trước tại xưởng, sau đó mang đến lắp ghép tại địa điểm công trình. Có 3 loại theo chất liệu khung: nhà khung bêtông, nhà khung thép tiền chế và nhà khung gỗ. Có thể lựa chọn các loại vách khác nhau để kết hợp với 3 loại khung trên, như: vách panel, xây tường gạch, vách kính, tấm gỗ xi măng...
Kiến trúc sư thiết kế nội thất Đỗ Ly Cơ (Phó tổng giám đốc Cat Nghi Interior) nhận định, nhà lắp ghép thường là lựa chọn của các công ty và cá nhân làm trong ngành thiết kế hoặc sáng tạo. Như Cat Nghi Interior cũng đã dùng nhà tiền chế khi xây dựng văn phòng thứ hai để giảm tải mật độ nhân sự tại trụ sở chính. Công trình là văn phòng 1 trệt 1 lầu với tổng diện tích 250 m2 được xây dựng bằng khung thép tiền chế trên nền nhà cũ đã đập bỏ toàn bộ.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về một số "điểm trừ" của nhà lắp ghép.
Đầu tiên là khả năng cách âm cách nhiệt của nhà lắp ghép. Loại nhà khung thép vách panel mỏng (loại nhà lắp ghép có chi phí thấp nhất hiện nay) sẽ không cách âm tốt. Theo các kiến trúc sư, nhà xây bêtông cốt thép truyền thống và nhà lắp ghép nếu được thiết kế hợp lý, hệ thống thông gió, cổng cửa giống nhau, kỹ thuật thi công đúng và độ dày vách giống thì độ cách âm cách nhiệt là tương tự.
Một trở ngại lớn mà nhà lắp ghép không được chấp nhận nhiều trong nhà phố là vấn đề giá trị ngôi nhà. Với nhà lắp ghép, khi xây dựng vẫn cần các thủ tục xin phép và hoàn công như xây nhà bêtông cốt thép truyền thống. Tuy nhiên, ở giấy tờ hoàn công, trên thông tin giấy tờ sẽ ghi chính xác loại kết cấu và loại vật liệu. Nhà lắp ghép vì vậy được đánh giá thấp hơn về giá trị ngôi nhà. Chính vì vậy, nhà lắp ghép khó bán hơn vì tâm lý số đông người mua vẫn còn e ngại, lo sợ tài sản lớn mất giá.
Tuy vậy, ông Tiến cũng hy vọng xu hướng nhà lắp ghép không phải là trào lưu nhất thời, và sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn nhờ vào các ưu điểm nổi bật về thời gian thi công, chi phí và bảo vệ môi trường.
Loại nhà | Nhà bêtông cốt thép truyền thống | Nhà lắp ghép (nhà tiền chế) |
Thời gian | Lâu | Khoảng 35% thời gian xây nhà bê tông cốt thép truyền thống. *Nhà lắp ghép khung thép, vách panel có thời gian thi công ngắn nhất. *Nhà lắp ghép khung gỗ, vách gỗ tự nhiên có thời gian thi công lâu nhất so với các nhà lắp ghép. |
Tuổi thọ công trình | 80 đến 100 năm với điều kiện thi công xây dựng đạt chuẩn | Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và chi phí đầu tư. *Nhà lắp ghép khung thép, vách panel có tuổi thọ ngắn nhất. Trung bình 10 năm. *Nhà lắp ghép khung thép, tường gạch xây có tuổi thọ cao nhất. Đạt 50 đến 70 năm. |
Chi phí đầu tư | Cao | Khoảng 35% chi phí xây nhà bêtông cốt thép truyền thống, tùy thuộc vào loại vách chọn thi công. *Chi phí nhà lắp ghép khung gỗ, vách gỗ tự nhiên có thể cao hơn xây nhà bêtông cốt thép truyền thống (tùy loại gỗ) |
Trọng lượng công trình | Nặng | Khoảng 35% trọng lượng nhà bêtông cốt thép truyền thống |
Khánh An