Kênh TikTok "Bếp có ông" xuất hiện thân thương với hình ảnh ông bà chăm sóc nhau bên không gian quê nhà bình yên,ụôngUnấuănchovợnhậntriệlịch bóng đá nhẹ nhàng.
"Nếu mệt quá thì về đây, có ông bà"
Đó là đoạn giới thiệu của kênh "Bếp có ông" do chị Vũ Thị Cẩm Ly (26 tuổi, ở TX.Thái Hòa, Nghệ An) viết ra. Chị là cháu ngoại của ông Nguyễn Văn Bảy (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Minh (81 tuổi), nhân vật chính trong các đoạn clip.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Ly cho biết kênh TikTok này được lập từ hơn một tháng nay. Thời điểm đó, chị đang làm nhân viên văn phòng ở TP.Vinh, thời gian rảnh thường về quê thăm ông bà. Chị quay lại những khoảnh khắc ông bà chăm sóc nhau với mục đích lưu lại kỷ niệm và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình rồi sau đó quyết định nghỉ việc để phát triển kênh. "Công việc văn phòng mang lại cho bản thân thu nhập nhưng khá nhàm chán, không có nhiều thời gian cho gia đình. Mình về thăm ông bà và nhìn cách ông bà chăm sóc nhau mình thấy cuộc sống trôi qua rất nhẹ nhàng, hạnh phúc", chị chia sẻ.
Thời gian đầu, chị Ly cũng gặp khó khăn về vấn đề tài chính và những băn khoăn của mọi người về chuyện thất nghiệp. Tuy nhiên, với mong muốn mọi người có nơi tìm về cảm xúc thân thương sau khoảng thời gian làm việc mệt mỏi, chị tiếp tục phát triển kênh. Chị chuyển qua làm online để vẫn đảm bảo thu nhập và có thời gian quay clip về ông bà. Khi đăng những clip lên mạng xã hội, ngoài những bình luận tích cực, chị Ly cũng nhận được những thắc mắc: "Vì sao ông nấu cho bà, khác với nhiều gia đình là bà sẽ nấu cho ông?".
Chia sẻ về điều này, chị Ly cho biết ở nhà ông sẽ là người vào bếp, bà làm các công việc vặt khác phụ ông như rửa chén, cho gà ăn, kiếm củi… Cuộc sống hằng ngày của ông bà trôi qua một cách bình dị.
Mong ông bà luôn vui tươi, yêu đời
"Ông thích công việc nấu ăn, hơn nữa ông sợ thời tiết nắng nóng ở quê sẽ khiến bà tăng huyết áp, ảnh hưởng đến sức khỏe nên ông nấu cho bà. Ngược lại, những lúc ông mệt bà sẽ vào bếp nấu, đun nước chè cho ông uống", người cháu gái nói. Ông bà có 6 người con
(3 trai, 3 gái) và ở riêng nhưng các con sống xung quanh, có món gì ngon họ cũng mang đến cho ông bà. Các món ăn và cách chế biến của ông đậm chất dân dã, có từ thời trước. Chị Ly cũng bất ngờ với cách nấu nướng, cách làm bếp than của ông.
Ông Bảy kể lại năm 1959 vì điều kiện gia đình khó khăn, ông lên nông trường Tây Hiếu (TX.Thái Hòa) làm việc. Sau đó 4 năm, bà cũng lên và làm việc chung tổ với ông. Hai người gần gũi, phát triển tình cảm nên cùng nhau xây dựng gia đình. Niềm hạnh phúc của ông ở tuổi gần đất xa trời là vợ chồng vẫn có nhau, con cháu hiếu thảo, quan tâm đến cha mẹ. "Tôi nghĩ đàn ông vào bếp là bình thường. Nhưng tôi có việc đi đâu bà ở nhà cũng tự nấu ăn được. Vợ chồng tôi vẫn trồng rau, làm vườn nên không lo lắng về những bữa ăn hằng ngày, con cháu thường xuyên cho thịt cá. Vợ chồng ở với nhau mấy chục năm luôn vui vẻ làm tấm gương cho con cháu học tập, noi theo", ông Bảy trải lòng.
Bà Minh chia sẻ: "Thấy ông lụi cụi nấu ăn trong bếp tôi rất xúc động. Ông rất vui vẻ, nhiệt tình chỉ có chuyện đi khám về không chịu uống thuốc. Tôi phải nhắc ông uống và tập thể dục thường xuyên để sức khỏe ổn định, không khiến con cháu lo lắng. Ở tuổi này, thấy con cháu làm ăn phát đạt, khỏe mạnh là ông bà mừng rồi".
Theo chị Ly, ông không bao giờ to tiếng với bà. Ông là người hiền lành, là chỗ dựa vững chắc của bà. Ngược lại, bà hơi khó tính nhưng cũng luôn quan tâm ông và quán xuyến mọi việc trong gia đình. "Mình luôn mong ông bà khỏe mạnh, luôn vui tươi và yêu đời. Dù có nhiều tiền cũng không thể mua được kỷ niệm về ông bà nên mình sẽ cố gắng lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất một cách chân thực và bình dị", chị Ly bộc bạch.